Ngày 29.6, Tổng cục Thống kê (Bộ KH-ĐT) cho biết, tổng doanh thu phí bảo hiểm quý 2 ước đạt 55.600 tỉ đồng, giảm 6,6% so với cùng kỳ năm trước.
Tính chung 6 tháng đầu năm, tổng doanh thu phí bảo hiểm ước đạt 109.100 tỉ đồng, giảm 3,8%. Trong đó, doanh thu phí lĩnh vực bảo hiểm phi nhân thọ ước đạt 38.800 tỉ đồng, tăng 11,2%; lĩnh vực bảo hiểm nhân thọ ước đạt gần 70.300 tỉ đồng, giảm 10,5%.
Tổng doanh thu phí bảo hiểm quý 2 ước đạt 55.600 tỉ đồng, giảm 6,6% so với cùng kỳ năm trước
Chi trả quyền lợi bảo hiểm ước đạt 41.300 tỉ đồng, tăng 6,8% so với cùng kỳ năm 2023. Trong khi đó, tổng số tiền đầu tư trở lại nền kinh tế ước đạt 795.500 tỉ đồng, tăng 9,3%; tổng tài sản thị trường bảo hiểm ước đạt 951.800 tỉ đồng, tăng 9,1%; tổng dự phòng nghiệp vụ bảo hiểm tăng 13,1%.
Về hoạt động ngân hàng, Tổng cục Thống kê cho biết: mặt bằng lãi suất huy động và lãi suất cho vay duy trì xu hướng giảm, tỷ giá được điều hành chủ động, linh hoạt, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô.
Tính đến thời điểm 24.6, huy động vốn của các tổ chức tín dụng (TCTD) tăng 1,50% so với cuối năm 2023 (cùng thời điểm năm trước tăng 3,68%); tăng trưởng tín dụng của nền kinh tế đạt 4,45% (cùng thời điểm năm trước tăng 3,83%).
Trong 6 tháng đầu năm, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục giữ nguyên các mức lãi suất điều hành nhằm tạo điều kiện cho TCTD tiếp cận nguồn vốn với chi phí thấp, điều hành hài hòa giữa lãi suất và tỷ giá phù hợp với tình hình thị trường, diễn biến kinh tế vĩ mô và mục tiêu chính sách tiền tệ; đồng thời chỉ đạo TCTD tiếp tục tiết giảm chi phí để giảm mặt bằng lãi suất cho vay.
Tại thời điểm tháng 4, lãi suất tiền gửi bình quân bằng đồng Việt Nam của ngân hàng thương mại trong nước ở mức 0,2%/năm đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng; 1,9 - 2,8%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng; 4,8 - 5,2%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 6 - 12 tháng; 6 - 6,9%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ trên 12 tháng đến 24 tháng và 6,9 - 7,4%/năm đối với kỳ hạn trên 24 tháng.
Lãi suất cho vay bình quân của ngân hàng thương mại trong nước đối với các khoản cho vay mới và cũ còn dư nợ ở mức 7,3 - 9,5%/năm. Lãi suất cho vay ngắn hạn bình quân bằng đồng Việt Nam đối với lĩnh vực ưu tiên khoảng 3,6%/năm, thấp hơn mức lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa theo quy định của Ngân hàng Nhà nước (4%/năm).
Tỷ giá trung tâm được điều hành linh hoạt, phù hợp, đồng bộ với các công cụ chính sách tiền tệ để ổn định thị trường ngoại tệ, góp phần kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô. Đến ngày 25.6, tỷ giá trung tâm ở mức 24.253 đồng/USD, tăng 1,62% so với thời điểm cuối năm 2023.